KHOAI TÂY VÀ BẮP CẢI GIẢM UNG THƯ DẠ DÀY
08:12:00 02/12/2015
KHOAI TÂY VÀ BẮP CẢI GIẢM UNG THƯ DẠ DÀY
Rượu bia, muối, thực phẩm bảo quản làm tăng ung thư dạ dày thì khoai tây và bắp cải giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, theo một nghiên cứu mới tại Trung Quốc.
Theo Telegraph, nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học tại Đại học Chiết Giang ở Trung Quốc. Kết quả được đúc kết từ 76 khảo sát về chế độ ăn uống của 6,3 triệu người và 33.000 trường hợp tử vong do ung thư dạ dày.
Nghiên cứu cho thấy những người ăn một lượng lớn rau củ màu trắng với lượng vitamin C dồi dào như khoai tây, hành tây và súp lơ giảm 1/3 nguy cơ mắc bệnh so với người không ăn chúng. Trái cây và rau xanh - vàng như bắp cải, cải xoăn, cần tây cũng có tác dụng rất tốt.
Những người ăn 100g rau củ quả mỗi ngày giảm được nguy cơ ung thư dạ dày 5%. Các rủi ro giảm đến 8% nếu tiêu thụ 50 mg vitamin C. Trong khi đó, muối làm tăng nguy cơ bệnh lên 12%. Bia, rượu, thực phẩm bảo quản cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.
Ung thư dạ dày cướp đi sinh mạng của 13 người mỗi ngày tại Anh. Các nước đang phát triển có tỷ lệ bệnh ít hơn là do sẵn có rau quả, trái cây tươi, giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm ướp muối và bảo quản như các nước phát triển.
Lưu ý khi ăn khoai tây
+ Từ củ khoai tây bạn có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon như khoai tây hầm xương, khoai tây xào thịt, khoai tây đút lò, khoai tây chiên. Trước khi sử dụng, nên gọt sạch vỏ khoai tây và ngâm trong nước 15 – 20 phút để loại bỏ bớt acrilamit – một chất không có lợi cho sức khỏe được tìm thấy trong củ.
+ Hạn chế ăn món khoai tây chiên. Món ăn này không chỉ gây tăng cân mà khi chiên với dầu còn tạo ra nhiều cholesterol xấu gây hại cho tim mạch
+ Không kết hợp khoai tây chung với cà chua. Hai thực phẩm này khi được tiêu thụ cùng lúc sẽ gây ra những cục khó tiêu, làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
+ Khi chế biến khoai tây, chỉ nên nấu vừa chín tới. Không nên đun nấu quá lâu khiến vitamin C và một số chất dinh dưỡng bị phân hủy.
+ Không ăn những củ khoai tây màu xanh hoặc khoai đã mọc mầm. Những củ này chứa nhiều chất solanine có thể gây ngộ độc, thậm chí là tử vong.
+ Củ khoai tây sống chứa hàm lượng vitamin C cao hơn hẳn so với khoai tây đã qua chế biến. Bạn có thể ăn khoai tây sống hoặc ép tươi lấy nước uống. Tuy nhiên chỉ nên dùng với lượng vừa phải vì tiêu thụ quá nhiều củ khoai tây sống có thể gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi, chướng khí…
+ Sử dụng nguồn khoai tây an toàn, không chứa chất bảo quản, chất tẩy rửa.
+ Củ khoai tây dù có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe nhưng không phải ai cũng dùng được. Người bị dị ứng với khoai tây tuyệt đối không nên ăn. Bệnh nhân bị tiểu đường, phụ nữ có thai nên hạn chế sử dụng./.
Tổng lượt xem: 3167
Tổng số điểm đánh giá: 32 trong 5.5 đánh giá
1 2 3 4 5