Tel:   0989 791982 Hotline: 0989 791982 - 0918 681982 Email: tuan6282@gmail.com

KINH ĐIỂN

  • BÁT PHÁP ĐIỀU TRỊ TRONG CHÂM CỨU

    (Phép tắc điều trị)

    HÃN thì Hợp cốc, Phong môn

    THỔ thì Trung quản, Nội quan, Liêm tuyền

    HẠ thì Túc lý, Thiên khu

    Khúc trì hợp với Tam âm mà dùng

    HOÀ thì hàn nhiệt dùng chung

    Chi câu kết hợp huyệt Dương lăng tuyền

    Điều hoà Can Tỳ huyệt thiên

    Thái xung, Túc lý tiếp liền Nội quan

    ÔN thì Trung quản, Túc tam

    Hoặc cứu Khí hải, Quan nguyên thần kỳ

    THANH thời chích máu đầu chi

    Của những huyệt tỉnh sốt thì lui nhanh

    TIÊU thực Trung Quản đã đành

    Phải phối Túc lý mới thành phương hay

    Tiêu đàm Phong long nhớ ngay

    Tiêu huyết ứ trệ huyệt này Thái xung

    Huyết hải - hoạt huyết dùng chung

    Lợi thuỷ Trung cực lại cùng Thuỷ phân

    BỔ âm Thận du rất cần

    Phục lưu, Nhiên cốc, Tam âm đắp bồi

    Bổ dương Mệnh môn nhớ rồi

    Chí dương nối tiếp đến hồi Quan nguyên

    Bổ khí Khí hải nhớ liền

    Đản trung, Túc lý như kiềng ba chân

    Bổ huyết Huyết hải nuôi thân

    Can, Tâm, Tỳ, Cách góp phần lập công

    Đó là Pháp - Huyệt cần lưu

    Tâm niệm ghi nhớ khắc sâu trong lòng./.

    Căn cứ vào lý luận, quy nạp thành 8 pháp: Hãn, Thông, Tiêu, Hợp, Ôn, Thanh, Bổ, Tả.

    1. HÃN PHÁP

    Hãn pháp được lập ra để chống đối ngoại tà xâm phạm nhân thể, tà còn ở bì mao tấu lý và kinh lạc, xuất hiện các chứng kinh lạc không thông, phế khí ách tắc. Hãn pháp là phương pháp làm cho tà khí phát tiết ra ngoài.

    Chọn huyệt:

    Thường chọn huyệt trên kinh Dương: Kinh Dương chủ phần biểu, huyệt trên kinh Dương có tác dụng thông dương hành khí, lợi cho giải biểu tà. Ngoài chọn huyệt 3 kinh Dương, còn tương đối coi trọng chọn huyệt trên Mạch Đốc nhằm tráng dương khí, tăng cường sức giải biểu.

    Phong tà khu trú ở phần trên, Hãn pháp sinh từ lưng. Vì vậy phần nhiều chọn huyệt ở vùng đầu cổ. Ví dụ: Thái Dương phong hàn chọn huyệt Thiên Trụ, Thiếu Dương phong hàn chọn huyệt Phong Trì; trên Mạch Đốc thì chọn Phong phủ, Đại Chùy, Đào Đạo.

    Căn cứ lý luận Phế chủ biểu, chọn huyệt trên kinh Phế. Ví dụ như: Phát sốt, nếu lấy chứng trạng Kinh lạc làm chủ-chứng trạng Phế làm phụ có thể chọn huyệt Ngư Tế; nếu lấy chứng trạng Phế làm chủ có thể chọn huyệt Liệt Khuyết.

    Đặc điểm:

    Phối ngũ giữa 3 huyệt của 3 kinh Dương với Mạch Đốc: Khi ngoại tà xâm phạm kinh lạc.

    Sau khi chọn huyệt trên kinh Phế phối với huyệt kinh Thủ Quyết Âm: Khi ngoại tà xâm phạm Phế.

    Phối ngũ cách xa của kinh Dương Minh. Khi ngoại tà nhập lý.

    Chú ý:

    Kết hợp hơ nóng: Thường hơ nóng cổ gáy và bả vai để trợ Dương khử tà.

    Lựa chọn thời gian thích hợp châm cứu: Ban ngày. Dương khí của vũ trụ sẽ hỗ trợ dương khí nhân thể.

    2. THÔNG PHÁP

    Thông pháp thường dùng trị Phong Hàn Thấp tà xâm phạm nhân thể làm cho khí huyết trở trệ, kinh lạc bế tắc, sản vật bệnh lý ngưng trệ. Bộ vị bệnh chứng chủ yếu ở phần da, thịt, gân mạch, xương cốt. Thông pháp ngoài khả năng thông kinh hoạt lạc, tức là khai thông trở trệ, còn có tác dụng điều chỉnh công năng của khí huyết, kinh lạc, làm cho trạng thái sinh lý khôi phục trở lại bình thường.

    Chọn huyệt:

    Chọn huyệt khai khiếu thông đạt khí cơ mạnh, trong đó lấy Tỉnh huyệt làm chủ.

    Chọn huyệt Du, Mộ có liên quan mật thiết với khi cơ tạng phủ. VD: đau lưng chọn Thận Du, bĩ thống (đau đầy tức) chọn huyệt Chương Môn.

    Chọn huyệt tại chỗ. VD: Ngạt mũi chọn Nghinh hương, đau đầu gối chọn Lương Khâu.

    Đặc điểm:

    * Phối ngũ huyệt đồng loại. Mục đích làm tăng cường sức thông đạt của khí cơ. VD: Ẩn Bạch, Đại Đôn (cùng là huyệt Tỉnh); Cách Du, Tỳ Du, Thận Du (cùng là ngũ du huyệt).

    * Phối hợp huyệt tại chỗ với huyệt xa. Mục đích làm cho khí huyết vận hành thông sướng, thời gian tương đối lâu dài hơn. VD: trị đau lưng dùng Thận Du phối hợp với Ủy Trung, Côn Lôn.

    * Bệnh chứng áp dụng Thông pháp điều trị, nói chung là bệnh tình mạn tính, liệu trình điều trị tương đối dài. Trong quá trình châm thích phải chú ý:

    - Động viên BN thực hiện 1 số động tác bổ trợ để tăng cường sức đả thông kinh lạc, khí huyết.

    - Chứng ngưng tụ nên kết hợp sử dụng thêm ôn hoặc cứu nhằm lợi cho sự đến tụ của chính khí và sự lưu sướng của khí huyết.

    - Hướng dẫn BN về nhà tập 1 số động tác vận động hợp lý.

    3. TIÊU PHÁP

    Tiêu pháp thích hợp dùng cho khí, huyết, đờm, thực, thấp đình trệ trong nhân thể đồng thời hình thành loại bệnh chứng có sản vật bệnh lý hữu hình. Những loại bệnh này thời gian thành bệnh tương đối dài hơn, tà khí uất kết ko tan, chính khí tương đối nhu nhược; trong tình trạng khó khăn là tả ko đi, bổ lại ko được. Chỉ có thể chọn dùng Tiêu pháp, vận dụng khả năng “tiêu trệ tán kết” mới đạt đến mục đích đuổi tà mà ko tổn thương tới chính khí.

    Đặc điểm:

              * Chọn huyệt trên kinh Dương Minh hoặc kinh Thái Âm, lấy gốc của hậu thiên điều đạt khí huyết kinh lạc: Chủ trị chứng bệnh ko phải là loại nặng.

              * Chọn huyệt Du, Mộ của Tỳ Vị, lấy gốc của hậu thiên điều đạt khí huyết tạng phủ: Chủ trị chứng bệnh tương đối ngoan cố hơn.

              * Chọn huyệt tại chỗ bệnh biến làm tăng cường thông đạt khí huyết tại chỗ: Chủ trị chứng bệnh tương đối cấp, do đó mang tính chống đối rõ ràng hơn.

    Chú ý:

    - Tiêu Pháp là một phép hoãn công (công chậm), lấy đuổi tà làm chủ, đuổi tà lại lấy tiêu tán làm chủ. Khi châm thích thường dùng phép bình bổ bình tả, đồng thời cũng dùng Mai hoa châm gõ vùng bệnh biến, kinh lạc làm cho khu vực đc châm thêm rộng lớn, khả năng vận hành khí huyết thêm mạnh, khiến tác dụng Tiêu pháp hòa hoãn và liên tục.

    - Bởi vì khối kết là vật hữu hình phần nhiều thuộc âm hàn ngưng trệ, do đó sử dụng phép cứu kết hợp có thể làm bệnh tình thuyên giảm nhanh hơn. Ngoài cứu tại huyệt vị ra, còn có thể cứu tại chỗ kết khối nhưng cần phải chú ý dựa vào sự biến hóa của bệnh tình mà dùng các phép cứu cho phù hợp.

    4. HỢP PHÁP

    Hợp pháp là chỉ về sự phối hợp Âm Dương lẫn nhau, phần nhiều được áp dụng khi trong cơ thể Âm Dương, Hư Thực ko đúng mực. Hợp pháp có 2 hàm nghĩa:

    * Hợp hình với khí: hình là chủ về hình thể, khí là chủ về khí cơ. Hình thể trông to, khỏe mạnh (thực) mà khí hư; hình thể hư nhược mà khí thịnh đều thuộc loại hình khí ko hợp. Khi hình-khí ko tương hợp thì bệnh tình trở lên phức tạp, trên lâm sàng cần phải phân tích tình trạng tranh đấu giữa tà và chính (xét hình và khí) mà vận dụng trị liệu linh hoạt. Bất luận hình khí bất túc hay hữu dư, đều phải chú ý tư tưởng chủ đạo chung tả tà cứu chính, bổ chính mà khử tà. Về phòng bệnh bảo kiện (giữ gìn sk), tư tưởng “Hợp hình với khí” cũng rất quan trọng, như phối ngũ giữa Bách Hội, Quan Nguyên, Khí Hải, Túc Tam Lý.

    * Điều hòa Âm Dương: bao gồm sự biến hóa các dạng âm dương trong cơ thể, chủ yếu là chỉ về biến hóa bệnh lý: âm dương thiên thịnh thiên suy, âm dương cách cự,… như Tâm Thận bất giao, Can Tỳ bất hòa, Khí Huyết ko thông, Kinh Lạc trở trệ,… là có thể sử dụng Hợp pháp.

    Đặc điểm:

    * Chọn huyệt cùng lúc trên kinh Âm Dương, hoặc bộ vị Âm Dương nhằm đạt đến mục đích điều chỉnh Âm Dương làm cho nó đc hòa hợp với nhau. VD: khí huyết bất túc chọn Túc Tam Lý phối hợp Tam Âm Giao; Tâm Thận bất giao chọn Tâm Du phối hợp Thận Du; Thận Hỏa bất túc chọn Mệnh Môn phối hợp Thần Khuyết; …

    * Chọn huyệt tại bộ vị đối xứng Âm Dương của nhân thể. VD: Trúng phong bán thân bất toại châm thích 12 huyệt tỉnh (trái-phải); điều trị gót chân lệch trong hoặc lệch ngoài chọn Chiếu Hải phối hợp Thân Mạch; Can Tỳ bất hòa chọn Âm Lăng Tuyên phối hợp Dương Lăng Tuyền (trong-ngoài); trúng phong chọn Nhân Trung phối hợp Trung Xung (trê-dưới).

    5. ÔN PHÁP

    Ôn pháp thường dùng cho chứng hàn thấp trở trệ, dương khí hư suy thậm chí dương khí suy kiệt.

    Đặc điểm:

    * Chọn các huyệt tráng khí bổ hỏa như: Khí Hải, Quan Nguyên, Mệnh Môn,…

    * Kết hợp Ôn Cứu đúng mức: ôn dưỡng ôn bổ, ôn thông ôn tán. Hợp lý về cường độ (ấm hay nóng), về thời gian (ít hay nhiều), về phạm vi (diện rộng hay hẹp).

    * Vận dụng linh hoạt: cứu ấm, cứu nóng (cứu điếu ngải, đèn hồng ngoại); đắp hỏa (các mồi ngải, đắp thuốc+chiếu đèn hồng ngoại); chườm hỏa (chườm muối ngải, hỏa long cứu); …

    Chú ý: Hàn thì làm cho nóng lên; Lao tổn thì làm cho ấm lên.

    6. THANH PHÁP

    Thanh pháp thường dùng khi cơ thể mắc hỏa, nhiệt tà. Chủ yếu điều trị chứng thực nhiệt, cũng có thể điều trị chứng hư nhiệt. Khí thực sinh nhiệt, khí hư cũng sinh nhiệt.

    Đặc điểm:

    * Chọn huyệt vị thông đạt khí cơ, đặc biệt là huyệt vị của kinh Dương Minh, VD: Khúc Trì, Hợp Cốc, Trung Phủ, Liệt Khuyết,… Khi cần tả hỏa trực tiếp thì phối hợp huyệt vị thuộc hỏa hoặc thuộc thổ, VD: Ngư Tế, Thái Xung, … hoặc chọn huyệt vị tại chỗ của hỏa khí tụ tập, VD: hỏa tụ phần trên cơ thể chọn Bách Hội, Thái Dương, Thượng Tinh; hỏa ngưng ở tạng phủ chọn huyệt Du, Mộ.

    * Có thể kết hợp với phép cứu dạng ôn thông ôn tán nhằm đạt đến mục đích tán và tả hỏa tà, nhiệt tà.

    Chú ý: Nếu nhiệt tà hung mãnh, biến hóa nhanh gấp thì nên phối hợp pp sau:

    - Dùng phép tả lạc chích ra máu, lượng máu cho ra nhiều một chút, có thể lấy “máu chuyển đổi thì ngưng” làm mức chuẩn. Muốn làm cho chỗ châm ra máu nhanh thì thêm bầu giác tại chỗ thích.

    - Dùng thủ pháp dẫn đạo: dùng 4 ngón tay của cả 2 tay véo đè đẩy động mạch cổ-gần như thủ thuật véo đẩy cột sống, từ trên xuống dưới đến giữa Khuyết Bồn.

    - Nếu sốt cao mà ko ngừng đổ mồ hôi thì có thể tại kinh Túc Thái Dương chọn huyệt thích hợp, dùng phép châm bổ có thể liễm hãn.

    7. BỔ PHÁP

    - Bổ pháp là phương pháp thích hợp dùng cho hư chứng ở các mức độ khác nhau của khí huyết, tân dịch, tạng phủ, âm dương. Trong phối phương Bổ pháp huyệt vị chọn dùng đa số lấy bổ làm công năng chủ yếu như: Bách Hội, Đản Trung, Khí Hải, Túc Tam Lý để thăng bổ khí cơ; Quan Nguyên, Tam Âm Giao, Huyết Hải để bổ dưỡng âm huyết.

    - Thủ thuật chính là châm bổ. Khi điều trị chứng hư thực lẫn lộn vẫn có thể dùng phối phương bổ dưỡng làm cơ bản, thủ pháp châm cứu điều chỉnh là được dùng bình bổ bình tả có thể đạt được mục đích phù chính khu tà.

    - Khi cơ thể suy nhược hoặc khả năng phản ứng kém, châm thích thường kém hiệu quả. Do đó trong lúc khí âm dương đều bất túc, ko nên dùng phép châm thích mà nên dùng phép cứu điều trị, dương hư có thể sử dụng mà âm hư cũng có thể dùng, chỉ cần phối phương chính xác, phép cứu sử dụng đúng mức đều đạt hiệu quả điều trị.

    8. TẢ PHÁP

    - Tả pháp dùng cho các bệnh do khí cơ trở trệ ách tắc gây lên như: khí ngưng thấp trệ, khí uất hóa hỏa, hàn ngưng khí trệ, Can uất khí trệ, …Phối phương Tả pháp lấy tả tà làm chủ, phương hướng điều trị tương đối rõ ràng chính xác, chọn dùng có tác dụng thông, khai, tán, giáng, ...

    - Châm thích dùng phép tả, khi cứu dùng phép thổi lửa, khi tà nặng quá có thể dùng phép cho ra máu. Chính khí hư nhược tà khí mạnh, muốn dùng phối phương Tả pháp thì phải dùng kỹ thuật châm bổ. VD: Thanh niên mất ngủ, suy nhược tinh thần, thuộc thể mất ngủ hư phiền nhiễu Tâm, chọn dùng: Đại Lăng tả Tâm hỏa, Nội Quan thông Tâm khí, Thần môn thông thần chí, thuộc phối phương Tả pháp, nhưng khi châm thích thì ko thể dùng Tả pháp mà phải dùng Bổ pháp, nếu ko thì chẳng những vô hiệu quả mà ngược lại càng làm cho bệnh tình thêm nặng. Chỉ có thông qua phối hợp thích đáng thủ pháp châm thích mới có thể đạt đến mục đích của Tả pháp.

    - Khi sử dụng Tả pháp thường phối hợp các phương pháp sau:

    + Bầu giác: Đặc biệt là đối với người bệnh hàn thấp tà ngưng trệ, khí cơ ách tắc nặng, thêm dùng bầu giác tức là tăng cường khả năng tả tà. Khi dùng bầu giác có thể giác trên kim châm, hoặc sau rút kim thêm bầu giác.

    + Cạo gió: Đây là phương pháp tả tà mạnh hơn, thường sử dụng khi bệnh tình cấp bách, tà khí tương đối nặng, thường cạo theo kinh giữa 2 huyệt, toàn thân có thể cạo nhiều chỗ, phép cạo gió thường liên quan đến tuyến kinh lạc dài hơn, huyệt vị điều chỉnh nhiều hơn, luôn luôn đạt hiệu quả tả tà ko ngờ đến.

    ♦ Báp pháp ở trên, là đem tác dụng điều trị của phối phương châm cứu quy nạp từ phương diện rộng lớn, nếu phân tích tỉ mỉ mỗi một pháp lại có thể chia thành nhiều phép nhỏ. VD: Bổ pháp lại chia ra phép tuấn bổ, phép hoãn bổ, phép trực tiếp bổ, phép gián tiếp bổ. Mỗi phép lại phối hợp các phép khác như phép Thông Bổ, Ôn Bổ, Bổ trong Tả, Tả trong Bổ, Tiêu trong Bổ, Bổ trong Tiêu. Do đó, Bát Pháp lại có thể biến thành nhiều phép trị hơn, 1 phối phương bao gồm 1 phép hoặc vài phép để trị bệnh.

    ♦ Trên lâm sàng cần vận dụng Bát pháp linh hoạt nhưng ko đc sai tính nguyên tắc của Bát pháp, “vạn biến không rời tông” có như thế mới phát huy đầy đủ tác dụng của phối phương trong điều trị lâm sàng, mới thực sự thống nhất được giữa lý luận châm cứu với thực tiễn lâm sàng. Y kinh viết: “Biết được điều quan trọng của nó, một chữ đến cùng; không biết điều quan trọng của nó, mất mát vô cùng”./.

    CÁCH LẬP ĐƠN HUYỆT

    Làm thầy châm cứu lưu tâm

    Hư bổ, thực tả, nhiệt châm, cứu hàn

    Âm dương phân biệt rõ ràng

    Âm hư nội nhiệt, ngoại hàn dương hư

    Lập đơn huyệt phải từ từ

    Huyệt chính, trực tiếp xong rồi bổ sung

    Nguyên, lạc, đặc hiệu ... nói chung

    Phải phối hợp lý để cùng công năng

    Ví như đau lưng hẳn rằng

    Ủy trung huyệt chính, trực thì Thận du

    Thái khê là huyệt bổ sung

    Và cứ như thế lập dùng giản đơn

    Ví như dùng để cắt cơn

    Dạ dày đau nhói thì dùng Túc tam

    Trung quản mộ Vị dùng làm

    Giảm cơn đau nhói lại còn bổ sung

    Nội quan cùng với Nội đình

    Qua hai ví dụ tự mình luận ra

    Lập đơn huyệt giảm rườm rà

    Mà nhanh kết quả mới là thầy hay./.

  • HUYỆT CHỮA CẢM MẠO

    Cảm hàn: sổ mũi, đau đầu

    Sợ gió, sợ lạnh người thời nóng ran

    Đau mình, tiếng nặng, ho khan …

    Đại chùy, Liệt khuyết, Phong trì, Ngoại quan

    Cảm nhiệt: sợ nóng rõ ràng

    Đau đầu, khát nước, họng thường bị khô

    Giải biểu thanh nhiệt nhớ cho

    Đại, Phong, Hợp cốc, Khúc trì thành phương.

    Gia giảm:

    Đau họng, gia huyệt Thiếu thương

    Mình nặng, đau mỏi nhớ liền Âm lăng

    Phong môn, Đại trữ hẳn rằng

    Đau mình, nhức mỏi hiệu năng vô cùng

    Cứng cổ thì có Huyền chung

    Túc lý, Trung quản cần dùng bụng đau

    Ho thì Phế du nhớ mau

    Thượng tinh sổ mũi trước sau vẫn dùng

    Nghinh hương nghẹt mũi nói chung

    Phương huyệt cảm mạo thường dùng nhớ luôn.

    HUYỆT CHỮA HO

    Ho do cảm nhiệt, cảm hàn

    Tỳ hư, Phế nhiệt dễ dàng nhận ra

    Ngoại cảm: Cảm mạo nhớ nha

    Tỳ hư đàm thấp hẳn là phải thông

    Tỳ du, Trung quản lập công

    Phong long, Liệt khuyết thuận dòng Phế du

    Thiên đột cục bộ hợp gu

    Âm hư, Phế nhiệt đắp bù Cao hoang

    Tứ hoa, Tam âm vững vàng

    Lại thêm Xích trạch, tiếp đàng Thái khê

    Ngư tế, Liệt khuyết hay ghê

    Tả để hạ nhiệt tràn trề niềm tin.

    HUYỆT CHỮA VIÊM XOANG

    Viêm xoang trán, mũi hoặc sàng

    Dương minh thủ, túc nhiệt tràn gây nên

    Thanh nhiệt giải độc chớ quên

    Nghinh hương, Hợp cốc phía trên Ấn đường

    Thượng tinh, Khúc sai cùng Phương

    Hòa liêu, Dương bạch phải tường để châm

    Bách hội, Tín hội chớ lầm

    Hãy dùng để cứu chóng thông mũi mà

    Viêm xoang dị ứng nhớ nha

    Nghinh hương, Hợp cốc kế là Túc tam

    Phế du, Cao hoang cần làm

    Cho ôn ấm để tán hàn khu phong.

    VIÊM MŨI XOANG DỊ ỨNG MÃN TÍNH

    Hợp Cốc, Ngoại Quan, Khúc Trì

    Túc Tam Lý, Tam Âm Giao, Thái Khê

    Nghinh Hương, Tỵ Thông, Quyền Liêu

    Ấn Đường, Toản Trúc, Thượng Tinh

    Khúc Sai, Thông Thiên, Bách Hội

    Phong Trì, Đại Chùy, Bách Lao

    Phong Môn, Phế Du, Cao Hoang.

     

  • HUYỆT BỔ TINH, HUYẾT, KHÍ, THẦN, TÂN DỊCH

    Tinh, Huyết, Khí, Thần, Tân dịch

    Là nguồn sinh lực nuôi sống con người

    Dồi dào sống khỏe, vui tươi

    Hư suy ắt sẽ thiếu cười, vắng ca

    Tinh suy thường thể hiện ra

    Di tinh, tảo tiết,…thường là tiểu luôn

    Nhiệt độ nóng, lạnh thất thường

    Tâm không ổn định lại thường sụt cân

    Thận du, Chí thất hẳn cần

    Mệnh môn, Khí hải kế gần Quan nguyên

    Tinh cung, Dương quan nhớ liền

    Phương huyệt vững chắc như kiềng ba chân

    Huyết suy nội nhiệt, ốm tong

    Da vàng, móng nhợt, huyết thì xuống lên

    Tam âm giao chẳng thể quên

    Cao hoang, Túc lý vững bền Thận, Tâm

    Tỳ, Vị, Quyết âm trọng tâm

    Phế du, Phách hộ giúp tăng hồng cầu

    Khí suy mồ hôi ra mau

    Người thường mệt mỏi, bụng đau, xanh gầy

    Quan nguyên, Tỳ du huyệt hay

    Hợp chung Phế, Thận xưa nay vẫn dùng

    Khí hư hạ hãm thì dùng

    Bách hội, Khí hải hợp cùng Túc tam

    Thận suy cười nói lam nham

    Tình chí rối loạn Hồn môn phải dùng

    Thần đường, Phách hộ để cùng công năng

    Tân dịch hư suy nhớ rằng

    Họng khô, miệng khát, da nhăn, nóng nhiều

    Bổ âm hỏa huyệt tuyệt chiêu

    Các kinh Tỳ, Phế, Thận đều nhớ ngay

    Bổ kim sinh thủy nhớ ngay

    Của ba kinh ấy thầy bày từ lâu

    Sức khỏe vốn quý hàng đầu

    Hư suy phải nhớ đắp bồi thường xuyên.

    HUYỆT CHỮA ĐAU ĐẦU

    Đau đầu: Ngoại cảm, nội thương

    Đau theo bộ vị vẫn thường xảy ra

    Ngoại cảm: Cảm mạo nhớ nha

    Nội thương: khí huyết hư mà gây nên

    Khí hư: đau sáng chớ quên

    Đản trung, Khí hải vững bền Túc tam

    Huyết hư: đau buổi chiều cùng

    Can, Tâm, Tỳ, Cách hợp cùng Tam âm

    Thực tích - thực chứng chớ lầm

    Túc lý, Trung quản hãy châm lẹ làng

    Can khí thượng nghịch: Hành gian

    Thái xung, Bách hội tả càng thêm hay

    Bộ vị - luận kinh trị ngay

    Đau ở trước Vị bày Đầu duy

    Thượng tinh, Hợp cốc, Nội đình

    Đau ở chẩm gáy lộ trình bàng quang

    A thị, Thiên trụ vững vàng

    Côn lôn, Phong phủ tiếp sang Phong trì

    Đỉnh đầu đau phải luận suy

    Can kinh quan hệ, huyệt thì Hành gian

    A thị, Bách hội cùng đàng

    Một bên đau hẳn là vùng màng tang

    Đởm kinh lộ trình chạy ngang

    Hàm yến, Lâm khấp, Ngoại quan hợp dùng

    Bởi phong đau chạy lung tung

    Phong trì huyệt ấy nhớ dùng để gia.

    HUYỆT CHỮA MẤT NGỦ

    Mất ngủ: mỏi mệt hay quên

    Lo lắng, bồn chồn, chóng mặt, đầu đau

    Thần môn, Nội quan nhớ mau

    Tam âm, huyệt hội hợp nhau mà dùng

    Ấy là hư chứng phương chung

    Tâm - Tỳ hư tổn hợp cùng Thiếu, Công

    Tâm - Thận bất giao hẳn cần

    Thiếu phủ, Nhiên cốc, Thận, Tâm phối vào

    Tâm huyết hư tổn thì sao?

    Cách du, Huyết hải lẽ nào chẳng gia

    Cao hoang, Tâm, Tỳ nữa mà

    Nếu Can hỏa vượng tả liền Thái xung

    Nội quan, Bách hội hợp cùng

    Sẽ đạt hiệu quả vô cùng là hay

    Bệnh này thầy đã có bày

    Châm buổi chiều, tối sẽ hay vô cùng.

    HUYỆT CHỮA LIỆT MẶT

    Liệt mặt do cảm phong hàn

    Thần kinh số 7 chẳng còn như xưa

    "Thiên phong khẩu nhãn oa xà"

    Địa thương hợp với Giáp xa mà dùng

    Hạ quan: ăn uống vãi vung

    Mắt nhắm không kín dùng Đồng tử liêu

    Miệng nói ú ớ ít nhiều

    Liêm tuyền, Thông lý tuyệt chiêu mà dùng

    Môi trên thì có Nhân trung

    Thừa tương môi dưới hợp dùng miệng ngay

    Tả méo chữa hữu xưa bày

    Hợp cốc bên méo huyệt hay nhớ dùng.

    HUYỆT CHỮA LIỆT NỬA NGƯỜI

    Nếu như bị liệt nửa người

    Cánh tay bại xuội:Khúc trì, Kiên ngung

    Nội quan, Xích trạch ta dùng

    Thiếu thương, Tiểu hải hợp chung chóng lành

    Nếu chân bại xuội: nhớ nhanh

    Hoàn khiêu, Phong thị, Tam âm, Dũng tuyền

    Dương lăng, Túc lý tiếp liền

    Thái khê, Ẩn bạch luân phiên mà dùng

    Khí hư: liệt phải thì dùng

    Đản trung, Khí hải hợp cùng Mệnh môn

    Huyết hư: liệt trái chớ quên

    Tam âm, Huyết hải vững bền Cách du

    Tả Phong môn để mà khu

    Phong tà cho cả hai trường hợp trên./.

  • HUYỆT BẢO KIỆN TRÊN 12 ĐƯỜNG KINH CHÍNH

    1. KINH THỦ THÁI ÂM PHẾ:  (4 huyệt)

    1. Trung phủ: Chức năng chính của huyệt này là phân bố khí, có tác dụng tăng cường chức năng của phổi.

    2. Liệt khuyết: Có thể phòng và điều trị đau họng, tránh tà khí thâm nhập miệng và mắt, trị bán thân bất toại, đau răng, khó thở.

    3. Thái uyên: Huyệt này có thể thanh phế lợi hầu, đả thông kinh mạch, phòng và điều trị các bệnh về phổi, viêm họng.

    4. Thiếu thương: Huyệt này là một trong những huyệt cấp cứu thanh nhiệt, lợi hầu, khai huyệt, có tác dụng phòng và điều trị sốt, hôn mê, choáng, đau họng, ngạt mũi hiệu quả.

    2. KINH THỦ DƯƠNG MINH ĐẠI TRƯỜNG: (3 huyệt)

    1. Hợp cốc: Đây là một trong những huyệt bảo vệ quan trọng, thường xuyên day ấn hoặc châm cứu huyệt này giúp kéo dài tuổi thọ. Chức năng của nó là kích thích não, lưu thông khí, thanh nhiệt. Huyệt này có thể phòng và điều trị các bệnh về ngũ quan, không tiết mồ hôi, mồ hôi trộm, ra nhiều mồ hôi, tắc kinh, dịch sản, điên cuồng.

    2. Khúc trì: Chức năng của huyệt này là thanh nhiệt lợi thấp, điều hòa dinh dưỡng; đối với chi trên tê liệt, cao huyết áp, đau họng đều mang lại hiệu quả trị liệu tốt. Qua thực nghiệm chứng minh huyệt này có hiệu quả điều chỉnh huyết áp, chắc răng, phòng bệnh suy giảm thị lực rất tốt.

    3. Nghinh hương: Chức năng của huyệt này là thanh nhiệt, tán phong, thông mũi.

    3. KINH TÚC DƯƠNG MINH VỊ: (2 huyệt)

    1. Địa thương: Huyệt này có thể lưu thông khí huyết, phòng và điều trị triệu chứng đau họng, bệnh về mắt và mặt.

    2. Túc tam lý: Đây là yếu trạng mang tính toàn thân, có thể bảo vệ tỳ vị, hỗ trợ tiêu hóa, ích khí tăng lực, nâng cao khả năng miễn dịch và kháng bệnh của cơ thể.

    4. KINH TÚC THÁI ÂM TỲ: (2 huyệt)

    1. Tam âm giao: Huyệt này có tác dụng tăng cường chức năng phủ tạng, có vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe của hệ thống sinh dục. Có thể phòng và điều trị bệnh trướng bụng, tiêu chảy, kinh nguyệt không đều, bạch đới, di tinh, liệt dương, di niệu, mất ngủ, vô sinh.

    2. Huyết hải: Huyệt này giúp điều hòa khí huyết, có thể phòng và điều trị các bệnh: kinh nguyệt không đều, tắc kinh, băng lậu, đau khớp gối.

    5. KINH THỦ THIẾU ÂM TÂM: (2 huyệt)

    1. Thông lý: Huyệt này giúp an thần, thông huyệt, mạch hoạt, có tác dụng phòng và điều trị các bệnh: đau tim, tâm phiền, sưng đau cổ họng, mất tiếng, lưỡi đau, mất ngủ.

    2. Thần môn: Huyệt này có thể dưỡng tâm an thần, phòng và điều trị bệnh đau tim, tâm thần bất ổn, mất ngủ, lo lắng, điên loạn.

    6. KINH THỦ THÁI DƯƠNG TIỂU TRƯỜNG: (2 huyệt)

    1. Hậu khê: Huyệt này giúp an thần, dưỡng tâm, tán phong thanh nhiệt, có thể phòng và điều trị các bệnh đau thắt lưng cấp tính, đau đỉnh đầu, đau tai, sung đau họng, đau răng, điên loạn.

    2. Thính cung: Huyệt này giúp an thần chí, phục hồi chức năng của thính giác, có tác dụng phòng và điều trị bệnh ù tai, điếc, viêm tai giữa, đau răng, điên loạn.

    7. KINH TÚC THÁI DƯƠNG BÀNG QUANG: (7 huyệt)

    1. Phế du: Là huyệt đảm bảo sức khỏe cho phổi, có thể phòng và điều trị chứng mất khả năng điều tiết của phổi.

    2. Tâm du: Huyệt này giúp an thần, là huyệt đảm bảo hoạt động bình thường của tim, có tác dụng phòng và điều trị các bệnh đau tim, lo lắng buồn phiền, sức khỏe yếu, tức ngực, mộng du, điên loạn.

    3. Can du: Là huyệt bảo kiện chức năng của gan, có thể đảm bảo hoạt can lợi đởm, dưỡng huyết bổ mắt.

    4. Tỳ du: Là nguồn gốc sinh hóa của khí huyết, huyệt bảo kiện tỳ khí, có khả năng phòng và điều trị bệnh chân tay vô lực, đau lưng, trướng bụng, tiêu chảy.

    5. Vị du: Huyệt này có tác dụng hóa thấp, tiêu đàm, là huyệt bảo kiện sức khỏe của tỳ vị, có tác dụng với bệnh đau dạ dày, trướng bụng, buồn nôn,tỳ vị hư nhược.

    6. Thận du: Huyệt này có tác dụng bổ thận ích tinh, có tác dụng phòng và trị bệnh liệt dương, di tinh, kinh nguyệt không đều, ù tai, thủy thũng, đau thắt lưng.

    7. Chí âm: Giúp thư giãn đầu, mắt, thông huyết mạch, có tác dụng phòng và điều trị các bệnh đau đầu, hoa mắt, ngạt mũi, chửa ngoài dạ con.

    8. KINH TÚC THIẾU ÂM THẬN: (1 huyệt)

    Thái khê: Có thể đảm bảo sức khỏe cho cột sống thắt lưng, ích thận, là huyệt bảo kiện thường dùng nhất. Huyệt này có thể phòng và điều trị các bệnh: đau thắt lưng, kinh nguyệt không đều, liệt dương, di tinh, mất ngủ, tiểu tiện nhiều lần.

    9. KINH THỦ QUYẾT ÂM TÂM BÀO: (2 huyệt)

    1. Nội quan: Huyệt này giúp giảm đau, có tác dụng phòng và điều trị các bệnh: đau tim, mất ngủ, tức ngực, trong lòng phiền muộn.

    2. Trung xung: Là một trong những huyệt thường dùng khi cấp cứu. Có tác dụng thanh tâm khai khiếu, giải nhiệt, điều trị các bệnh như: trúng phong, hôn mê, tâm phiền, say nắng, sốt nóng.

    10. KINH THỦ THIẾU DƯƠNG TAM TIÊU: (2 huyệt)

    1. Dương trì: Huyệt này có tác dụng thông lạc, giải nhiệt, phòng và điều trị đau bả vai, đau cổ tay, viêm tuyến nước bọt.

    2. Chi câu: Huyệt này có tác dụng lý khí giải ứ, lưu thông phủ khí, thông kinh lạc, phòng và điều trị táo bón, đau cơ, ù tai, điếc.

    11. KINH TÚC THIẾU DƯƠNG ĐỞM: (2 huyệt)

    1. Phong trì: Chức năng làm thính tai, sáng mắt, giúp não tỉnh táo, giải nhiệt, có tác dụng phòng và điều trị suy nhược thần kinh, đau mắt đỏ, trúng phong, ù tai.

    2. Hoàn khiêu: Có tác dụng thông kinh hoạt lạc rất tốt, phòng và điều trị bệnh phong hàn, đau chân, trúng phong, đau thần kinh tọa, tê buốt chi dưới.

    12. KINH CAN:  (1 huyệt)

    Chương môn: Huyệt này có thể kiện tỳ vị lại có thể giúp giải độc gan, hoạt huyết hóa ứ, có thể điều trị các bệnh trướng bụng, đau cơ, buồn nôn ./.

  • Mục đích để tham khảo thực hành chữa bệnh. Các bạn đồng nghiệp cần biện chứng luận trị, vận dụng kiến thức về bệnh học, học thuyết kinh lạc, học thuyết tạng phủ mà chọn nhóm huyệt phù hợp nhé:

    “Dụng Huyệt như dụng Binh

    Dụng hay bởi Thầy giỏi”

    NHÓM HUYỆT CHỮA BỆNH VÙNG  MẶT

    Trúng gió miệng mắt méo lệch: Thính hội, Giáp xa, Địa thương

    Thần kinh mặt tê bại: Hoà liêu, Khiên chính, Địa thương, Tứ bạch, Dương bạch

    Thần kinh mặt tê bại: Dương bạch, Tứ bạch, Khiên chính, Địa thương

    Thần kinh mặt tê bại: Khiên chính, Địa thương, Phong trì, Dương bạch

    Thần kinh mặt tê bại: Đầu duy, Dương bạch, Ế phong, Địa thương, Nghinh hương

    Liệt mặt: Địa thương, Giáp xa, Nghinh hương, Hợp cốc

    Liệt mặt: Tứ bạch, Dương bạch, Địa thương, Phong trì, Hợp cốc

    Liệt mặt: Ty trúc không, Toản trúc, Tứ bạch, Địa thương

    Liệt mặt: Thừa tương, Hoà liêu, Khiên chính, Phong trì

    Liệt mặt: Ế phong, Khiên chính, Địa thương, Nghinh hương

    Cơ mặt co dúm: Toản trúc, Tứ bạch, Giáp thừa tương

    Đau thần kinh tam thoa: Hạ quan, Thái dương

    Đau thần kinh tam thoa: Địa thương, Giáp xa, Hợp cốc

    Đau thần kinh tam thoa: Địa thương, Ngư tế, Thái bạch

    Đau thần kinh tam thoa: Giáp thừa tương, Hạ quan, Hợp cốc

    Viêm xoang trán: Toản trúc, Ấn đường

    Đau trước trán: Toản trúc thấu Ngư yêu, Phong trì, Hợp cốc

    Mặt thũng, hư phù: Nhân trung, Tiền đình

    Mặt sưng ngứa: Nghinh hương, Hợp cốc.

    NHÓM HUYỆT CHỮA BỆNH MẮT

    Đau đầu và mắt: Toản trúc, Đầu duy

    Bệnh mắt: Thừa khấp, Thái dương, Hợp cốc

    Bệnh mắt: Tân minh, Thừa khấp, Tý nhu

    Bệnh mắt: Quang minh, Hợp cốc

    Bệnh mắt nói chung: Can du, Túc tam lý

    Các bệnh về mắt: Tình minh, Thái dương, Ngư vĩ

    Viêm kết mạc cấp tính: Chích nặn máu ở: Thái dương, Nhĩ tiêm

    Viêm kết mạc cấp tính: Toản trúc, Thái dương, Phong trì, Hợp cốc

    Đau mắt đau u mày: Toản trúc thấu Ngư yêu

    Khuông mắt máy động: Đầu duy, Tán trúc (mắt đau)

    Mắt mờ do thần kinh chức năng: Cầu hậu, Thần môn

    Mắt không sáng: Phong trì, Ngữ xứ

    Mắt không sáng: Can du, Mệnh môn

    Mắt hoa, mắt như lòi ra: Thiên trụ Đào đạo, Côn lôn

    Mắt hoa mờ: Túc tam lý, Can du

    Sụp mi: Dương bạch, Thái dương, Đầu duy, Phong trì

    Viêm mí mắt: Chích nặn máu ở Thái dương, Toản trúc

    Đau thần kinh trên hốc mắt: Ngư yêu, Tán trúc, Tứ độc, Nội quan

    Trong mắt sưng đỏ: Tán trúc, Ty trúc không

    Đau mắt hàn: Phong trì, Hợp cốc

    Đau mắt: Toản trúc, Ngư vĩ, Tý nhu

    Mắt sưng đau: Tình minh, Thái dương, Ngư yêu

    Nhãn cầu sưng đỏ, đau đớn, chảy nước mắt: Tình minh, Tý nhu

    Đau tròng mắt: Thượng tinh, Nội đình

    Mắt đỏ đau: Dương khê, Hợp cốc

    Quáng gà: Đồng tử liêu, Tình minh, Dưỡng lão, Túc tam lý

    Viêm thần kinh thị giác: Cầu hậu, Phong trì, Dưỡng lão, Quang minh

    Teo thần kinh thị giác: Thượng minh, Kiên minh 2, Phong trì, Quang minh, Túc tam lý

    Teo thần kinh thị giác: Ế minh, Phong trì, Thượng tinh, Cầu hậu

    Quáng gà: Tình minh, Hành gian, Túc tam lý

    Teo thần kinh thị giác: Phong trì, Tình minh, Đồng tử liêu, Toản trúc

    Teo thần kinh thị giác: Tình minh, Cầu hậu, Phong trì, Hợp cốc, Túc tam lý, Quang minh

    Teo thần kinh thị giác: Thừa khấp, Tình minh, Phong trì, Hợp cốc, Túc tam lý, Can du, Thận du

    Thanh quang nhỡn (Tăng nhãn áp, giãn đồng tử): Cầu hậu, Kiện minh 1, Phong trì, Hợp cốc, Thái xung

    Thanh quang nhỡn: Hành gian, Phong trì, Hợp cốc

    Giãn đồng tử: Thừa khấp, Tình minh, Phòng trì, Khúc trì, Thái xung

    Khuất quang bất chỉnh (nhìn vật bị cong): Đồng tử liêu, Thượng minh, Hợp cốc

    Phức thị (nhìn thấy hình trùng nhau): Dương bạch, Toản trúc, Phục lưu

    Võng mạc biến hình: Thừa khấp, Kiện minh, Kiện minh 5, Phong thị, Tỳ du, Thận du, Can du

    Cận thị: Ngư yêu, Hợp cốc

    Cận thị: Tình minh, Thừa khấp, Hợp cốc, Quang minh

    Cận thị: Thừa khấp thấu Tình minh

    Trong mắt có màng che: Đồng tử liêu, Khâu khư

    Viêm củng mạc bờ mi, giác mạc có màng che: Tình minh, Cầu Hậu, Ế minh, Thái dương, Hợp cốc, Can du

    Giác mạc có màng che: Thượng minh, Thượng tình minh, Cầu hậu, Hợp cốc

    Mắt có mộng thịt: Tình minh, Thiếu trạch, Thái dương, Hợp cốc

    Mộng thịt trong mắt: Tình minh, Thái dương, Hợp cốc

    Đục thuỷ tinh thể: Tán trúc, Ế minh, Tình minh, Túc tam lý

    Đục nhân mắt: Đồng tử liêu, Ngư yêu, Toản trúc, Tình minh

    Đục nhân mắt bước đầu, độ nhẹ: Ế minh, Tình minh, Cầu hậu

    Đục nhân mắt, giác mạc có ban trắng: Tình minh, Thượng Tình minh, Cầu hậu, Thái dương, Ế minh, Thiếu trạch, Hợp cốc.

    NHÓM HUYỆT CHỮA BỆNH VỀ MŨI RĂNG LƯỠI

    Các bệnh về mũi: Thượng tinh, Nghinh hương, Hợp cốc

    Bệnh mũi: Thượng tinh, Nghinh hương

    Viêm mũi: Tứ bạch, Hợp cốc, Nghinh hương

    Viêm mũi: Thông thiên, Thượng tinh, Ấn đường, Hợp cốc

    Viêm mũi mãn tính: Nghinh hương, Ấn đường, Hợp cốc

    Viêm mũi mãn tính: Tỵ thông, Thượng tinh, Ấn đường, Hợp cốc

    Viêm mũi, mũi có thịt thừa: Thượng tinh, Hợp cốc, Thái xung

    Miệng méo, mũi nhiều nhử xanh: Thông thiên, Thừa quang

    Trứng cá ở mũi: Tố liêu, Nghinh hương, Hợp cốc

    Tắc mũi, sâu mũi: Thái xung, Hợp cốc

    Viêm hốc cạnh mũi: Nghinh hương thấu Tỵ thông, Khúc trì, Thượng tinh, Hợp cốc

    Viêm hốc cạnh mũi: Tỵ thông, Toản trúc, Liệt khuyết

    Chảy máu cam: Thượng tinh, Tố liêu, Nghinh hương

    Chảu máu cam: Hoà liêu, Ấn đường, Liệt khuyết

    Chảy máu cam không dứt: Phế du, Nghinh hương

    Chảy máu mũi kịch liệt không cầm: Ẩn bạch, Uỷ trung

    Cơ nhau co rút: Hạ quan, Giáp xa, Ế phong

    Hàm răng cắn chặt: Giáp xa, Nhân trung, Hợp cốc

    Viêm khớp hàm dưới: Hạ quan, Hợp cốc

    Viêm khớp hàm dưới: Ế phong, Hạ quan

    Vòm miệng lở loét: Khiên chính, Thừa tương, Ngân giao, Địa thương, Hợp cốc

    Miệng ngậm không há: Giáp xa, Địa thương, Hợp cốc

    Góc mép cứng đơ: Địa thương, Hậu khê

    Môi lở mụn: Thừa tương, Địa thương

    Miệng chảy dãi: Nhiên cốc, Phục lưu

    Miệng chảy dãi: Thượng liêm tuyền, Thừa tương, Địa thương

    Chảy nước dãi: Địa thương, Thừa tương, Hợp cốc

    Nói không rõ tiếng: Thượng liêm tuyền, Á môn, Hợp cốc

    Mất tiếng do thần kinh chức năng: Thượng liêm tuyền, Bàng liêm tuyền, Hợp cốc

    Di chứng não gây mất tiếng: Thượng liêm tuyền, Tăng âm, Á môn

    Đau răng: Thái dương, Ế phong

    Đau răng: Nhĩ môn, Ty trúc không

    Đau răng: Giáp xa, Nha thống điểm, Hạ quan, Hợp cốc, Nội đình

    Đau răng: Thiên lịch, Ngoại quan, Hợp cốc

    Đau răng, viêm amidal: Nội đình, Hợp cốc

    Đau răng hàm dưới: Giáp xa, Hợp cốc

    Đau răng hàm trên: Thái dương, Hợp cốc

    Dưới lưỡi sưng đau: Liêm tuyền, Trung xung

    Lưỡi nứt chảy máu: Nội quan, Tam âm giao, Thái xung

    Lưỡi mềm không nói: Á môn, Quan xung

    Lưỡi cứng không nói: Trung xung, Quan xung.

    NHÓM HUYỆT CHỮA BỆNH TAI

    Tai điếc: Hội tông, Ế phong

    Tai điếc: Thính cung, Thiên du, Dịch môn

    Tai điếc: Ế phong, Thính cung

    Tai điếc: Nhĩ môn thấu Thính cung, Thính hội, Ế phong, Trung chử

    Tai điếc: Nhĩ môn, Thính hội

    Tai điếc: Thính hội, Ế phong

    Tai điếc: Thính hội, Thính mẫn, Trì tiền

    Tai điếc: Thính hội, Phong trì

    Tai điếc: Thính cung, Thính hội, Ế phong, Hội tông

    Tai điếc: Ngoại quan, Thính hội

    Tai điếc, tai ù: Trung chử, Nhĩ môn, Thính hội

    Tai điếc, tai ù: Trung chử, Nhĩ môn, Ế phong

    Tai điếc, tai kêu: Y lung, Thính huyệt, Thính thông, Ế minh hạ

    Tai điếc bạo phát: Tứ độc, Thiên dũ

    Tai điếc, bí hơi: Nghinh hương, Thính hội

    Tai kêu: Ế phong, Thính cung, Thính huyệt, Thính thông

    Câm điếc: Y lung, Nhĩ môn thấu Thính cung, Thính hội

    Câm điếc: Á môn, Nhĩ môn, Thính cung, Ngoại quan, Trung chữ

    Câm điếc: Nhĩ môn, Y lung, Túc ích thông

    Câm điếc: Thính cung, Thính hội, Trung chữ, Ngoại quan

    Viêm tai giữa: Nhĩ môn, Ế phong, Hợp cốc

    Viêm tai giữa: Hạ quan, Ngoại quan.

    Viêm tai giữa: Thính cung, Ế phong, Hợp cốc

    Choáng váng do tai trong: Ế minh, Tứ độc, Phong trì, Á môn, Nội quan, Thái xung

    Câm bạo phát: Tam dương lạc, Chi câu, Thông cốc

    Câm bạo phát không nói được: Ế phong, Thông lý.

    NHÓM HUYỆT CHỮA BỆNH HẦU HỌNG

    Quai bị: Khiên chính, Ế phong, Hợp cốc

    Quai bị: Ế phong, Giáp xa, Hợp cốc

    Viêm Amidan: Ế phong, Giáp xa, Hợp cốc

    Viêm Amidan: Biển đào, Hợp cốc

    Viêm Amidan: Thiên dung, Hợp cốc

    Viêm Amidan cấp tính: Chích Thiếu thương nặn máu, châm Hợp cốc

    Sưng trong họng: Nhiên cốc, Thái khê

    Viêm hầu họng: Thiên dung, Thiên trụ, Hợp cốc

    Họng đau không ăn được: Dũng tuyền, Thái xung

    Viêm hầu họng: Thiên trụ, Thiếu thương

    Viêm hầu họng: Biển đào, Thiên trụ, Thiếu thương

    Hầu họng sưng đau: Thiếu thương, Thiên đột, Hợp cốc

    Hầu họng sưng đau: Thiếu thương, Thương dương đều chích nặn máu

    Đau hầu họng: Bách hội, Thái xung, Tam âm giao

    Đau hầu họng: Thái khê, Trung chữ.

    NHÓM HUYỆT CHỮA BỆNH ĐAU BẠI

    Bại liệt: Đới mạch, Thận tích, Hoàn khiêu, Khiêu dược, Tứ cường

    Phong thấp bại: Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Huyền chung

    Phong một bên, không thể quỳ xuống đứng lên: Thượng liêu, Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Cự hư Hạ liêm

    Phong tê: Túc tam lý, Lương khâu, Dũng tuyền, Nhiên cốc

    Tứ chi đau buốt: Thái xung, Khúc trì, Hợp cốc, Túc tam lý

    Bán thân bất toại: Khúc trì, Dương lăng tuyền

    Viêm khớp do phong thấp: Nhân trung, Trường cường, Thủ tam lý thấu Ôn lưu, Tọa cốt, Tuyệt cốt.

    Cánh tay không nâng lên được: Cự cốt, Tiền cốc

    Cánh tay đau không nâng lên được: Tý nhu, Trửu liêu

    Cánh tay khó đưa lên: Kiên tỉnh, Khúc trì

    Chi trên liệt một bên, đau thần kinh cẳng tay: Tý trung, Khúc trì, Hợp cốc

    Chi trên bất toại đau đớn: Khúc trì, Kiên ngung, Hợp cốc

    Chi trên tản hoán bại liệt: Nhu du, Kiên ngung, Kiên trinh, Cảnh tý

    Chi trên tê bại: Kiên trinh, Khúc trì, Cảnh tý

    Đau cánh tay: Thiếu hải, Thủ tam lý

    Đau cánh tay: Kiên tỉnh, Khúc trì

    Viêm quanh khớp vai: Cự cốt, Kiên liêu thấu Cực tuyền, Dương lăng tuyền

    Viêm quanh khớp vai: Thiên tông, Kiên ngung, Kiên liêu, Dương lăng tuyền

    Viêm quanh khớp vai: Dưỡng lão thấu Nội quan, Kiên trinh thấu Cực tuyền

    Bệnh tật ở khớp vai: Kiên ngung, Kiên nội lăng, Kiên liêu, Khúc trì

    Viêm bao hoạt dưới ụ vai: Kiên ngung, Kiên liêu, Dương lăng tuyền

    Viêm đầu cơ trên bờ gai xương bả vai: Khúc viên, Tý nhu, Dương lăng tuyền

    Viêm khớp vai: Kiên trinh, Kiên ngung, Kiên liêu

    Đau vai, viêm quanh khớp vai: Thủ tam lý, Kiên ngung, Trung chữ

    Đau khớp vai và viêm quanh khớp vai: Kiên nội lăng, Kiên ngung, Kiên liêu, A thị huyệt

    Đau vai: Kiên tỉnh, Phong trì, Kiên ngung

    Đau vai: Thiên trụ, Dưỡng lão

    Vai và cánh tay đau: Tý nhu thấu Nhu thượng, Khúc trì

    Cạnh ngoài và phía trên cánh tay đau: Trửu liêu, Khúc trì, Thủ tam lý

    Lao hạch dưới hố nách: Kiên tỉnh, Thiếu hải, Dương phụ

    Khuỷu tay co đau: Xích trạch, Khúc trì

    Khuỷu tay bong gân: Uyển cốt, Tiểu hải, Khúc trì

    Khớp khuỷu tay đau:Tiểu hải, Khúc trì

    Khuỷu tay duỗi ra không có sức: Ưng thượng, Kiên liêu, Nhu hội

    Khuỷu tay gập không có sức: Huyền chung, Cử tý

    Bệnh ở khớp khuỷu: Thiên tỉnh, Khúc trì thấu Thiếu hải

    Khuỷu và cánh tay đau đớn: Chi chính, Ngoại quan, Hợp cốc, Khúc trì

    Thần kinh chính giữa cẳng tay tê bại: Cảnh tý, Tý trung, Nội quan

    Thần kinh quay cẳng tê bại: Cảnh tý, Khúc trì, Dương khê

    Thần kinh trụ cẳng tay tê bại: Cảnh tý, Tiểu hải, Chi chính

    Cổ tay bong gân: Uyển cốt, Ngoại quan

    Cổ tay thõng xuống: Tý trung, Dưỡng lão

    Đau khớp cổ tay: Liệt khuyết, Dương khê, Áp thống điểm

    Viêm gân đầu cơ: Liệt khuyết, Dương khê, Áp thống điểm

    Bệnh ở gân đầu cơ cổ tay: Dương khê, Liệt khuyết

    Bàn tay, Cánh tay tê dại: Thủ tam lý, Thiếu hải

    Mu bàn tay sưng đỏ: Dịch môn, Trung chữ

    Đau xương bàn tay, ngón tay: Tam gian, Hậu khê

    Cổ tay, ngón tay, khớp đốt ngón tay sưng đau: Dương trì, Đại lăng, Thượng bát tà, Tứ phùng

    Ngón tay phát tê: Bát tà, Ngoại quan

    Các khớp nhỏ ngón tay sưng đau: Thượng bát tà, Khúc trì, Ngoại quan

    Đau thần kinh toạ: Hoàn khiêu, Thừa sơn

    Đau thần kinh toạ: Tọa cốt, Ân môn, Dương lăng tuyền

    Đau thần kinh toạ và chi dưới tản hoán: Lăng hậu, Hoàn khiêu, Kiện tất

    Chi dưới tản hoán: Ngoại âm liêm, Mại bộ, Tân Phục thỏ, Kiện tất, Túc tam lý

    Chi dưới tản hoán: Mại bộ, Hoàn khiêu, Ân môn, Kiện tất, Túc tam lý

    Chi dưới tê bại tản hoán: Phục thỏ, Mại bộ, Lăng hậu, Phong thị

    Chi dưới bại liệt: Thập thất chuỳ hạ và Hiệp tích vùng thắt lưng

    Cạnh ngoài chi dưới đau: Khâu khư, Côn lôn, Huyền chung

    Chi dưới và ngón tay tê dại: Bát phong, Lăng hậu, Túc tam lý

    Đùi đau: Hậu khê, Hoàn khiêu

    Đùi đau phong thấp: Cư liêu, Hoàn khiêu, Ủy trung

    Đùi đau chân tê: Hoàn khiêu, Huyền chung

    Đùi và chân không có sức: Phong thị, Âm thị

    Cước khí, phong thấp lở loét đầu chi: Công tôn, Xung dương, Cứu Túc tam lý

    Cước khí: Huyền chung, Túc tam lý, Tam âm giao

    Cước khí, phong một bên người: Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Dương phụ, Cự hư, Hạ liêm

    Đầu gối sưng đau: Khúc tuyền thấu Dương quan

    Khớp gối sưng đau: Tất quan, Độc tỵ

    Viêm khớp gối: Tất dương quan thấu Khúc tuyền, Dương lăng tuyền thấu Âm lăng tuyền

    Viêm khớp gối: Độc tỵ, Lương khâu, Dương lăng tuyền

    Phong thấp đau đầu gối: Độc tỵ, Âm lăng tuyền, Dương lăng tuyền

    Viêm khớp gối và chi dưới bại liệt: Phong thị, Âm thị, Dương lăng tuyền

    Cạnh ngoài bắp chân đau: Dương giao, Côn lôn

    Cạnh ngoài bắp chân, chi dưới mỏi mệt: Dương lăng tuyền, Huyền chung

    Đau khớp cổ chân: Côn lôn, Tuyệt cốt, Khâu khư

    Đau khớp cổ chân: Kim môn, Côn lôn

    Đau gót chân: Thương khâu, Giải khê, Khâu khư

    Đau gót chân: Thừa sơn, Côn lôn

    Di chứng não kiểu gót móng ngựa (nhón gót lên): Căn khẩn, Uỷ dương, Lăng hậu

    Di chứng não kiểu gót móng ngựa (nhón gót lên): Căn bình, Hoàn khiêu, Kiện tất, Lang hậu, Căn khẩn

    Bàn chân sưng: Thái khê, Côn lôn

    Chân sưng: Côn lôn, Thân mạch

    Mu bàn chân sưng đỏ: Thượng bát phong, Túc tam lý, Dương lăng tuyền

    Bước chân sưng khó đi: Thái khê, Côn lôn, Thân mạch

    Bước đi khó khăn: Túc tam lý, Trung xung, Thái xung

    Bước đi khó khăn: Trung phong, Thái xung

    Ngón chân đau đớn: Nhiên cốc, Thái xung, Dũng tuyền.

    .....

  • NHÓM HUYỆT CƠ BẢN

    Huyệt về phong

    Chung: Phong trì, Phong môn, Hợp cốc.

    - Phong hàn: Liệt khuyết (châm bình - cứu).

    - Phong nhiệt: Đại chùy, Khúc trì, Ngoại quan, Ngư tế: (tán phong nhiệt, tuyên phế khí)

    - Phong thấp: Thương khâu, Túc tam lý: kiện tỳ hóa thấp.

    - Nhiệt cực sinh phong: Nhân trung, Đại chùy, Thập tuyên, Thái xung, Dương lăng tuyền.

    Chữa phong thêm các huyệt hành huyết: Huyết hải, Cách du.

    Huyệt về nhiệt:

    - Hạ nhiệt: tất cả các huyệt ở kinh dương từ gối xuống bàn chân, khuỷu xuống bàn tay: các huyệt Huỳnh, các huyệt Tỉnh, Thập tuyên, Đại chùy (hội các kinh dương), Khúc trì, Hợp cốc, Ngoại quan, Ủy trung, Côn lôn, Nội đình.

    - Thanh nhiệt giải độc: Ôn lưu, Khúc trì, Ủy trung, Huyết hải, Hợp cốc, Khích môn, Hạ cự hư: tả pháp hoặc kim tam lăng châm xuất huyết. Đa số thuộc kinh dương minh: tiết nhiệt, trừ huyết ứ.

    - Thanh nhiệt trừ thấp: Nội đình.

    + Lỵ: Khúc trì.

    + Tiêu chảy nhiễm trùng: Túc tam lý.

    + Hoàng đản: Dương lăng tuyền, Đởm du.

    + Viêm tuyến vú: Hành gian.

    + Viêm cổ tử cung: Hành gian, Âm lăng tuyền.

    Huyệt trị hàn

    - Thận dương hư: Quan nguyên, Khí hải, Dũng tuyền, Mệnh môn, Thận du (cứu).

    - Tỳ vị hư hàn: Trung quản, Tỳ du, Túc tam lý, Chương môn (cứu).

    Huyệt trị thấp

    Lợi niệu trừ phù (thận- phế thực- tỳ hư - tam tiêu khí hóa): Thủy phân, Phục lưu, Khí hải, Tam tiêu du, Túc tam lý, Tam âm giao.

    Huyệt an thần

    Chung: Nội quan, Thần môn, Tam âm giao.

    - Tâm tỳ hư: Tâm du, Tỳ du.

    - Thận hư: Thận du.

    - Hư hỏa: Thái xung (bình can an thần).

    Huyệt nhuận trường

    Chung: Đại trường du, Thiên khu, Chi câu, Thượng cự hư.

    + Sốt: Hợp cốc, Khúc trì, Nội đình.

    + Khí trệ: Trung quản, Hành gian.

    + Khí huyết hư: Tỳ du, Vị du.

    + Do lạnh: Thần khuyết, Khí hải

    Tiêu chảy

    Chung: Trung quản, Thiên xu, Túc tam lý, Âm lăng tuyền.

    + Sốt: Nội đình.

    + Mạn tính:

    - Tỳ hư: Tỳ du, Chương môn.

    - Thận hư: Quan nguyên, Mệnh môn.

    Cố tinh sáp niệu

    + Di niệu: Thận du, Tam tiêu du, Trung cực, Tam âm giao.

    + Di tinh: Quan nguyên, Đại hách.

    Thêm: các huyệt an thần.

    Khí trệ

    - Phế khí nghịch:

    + Ho: Phế du, Liệt khuyết, Xích trạch.

    + Hen: Phế du, Đản trung, Thiên đột, Phong long.

    - Khí trệ ở tỳ vị:

    + Nôn: Trung quản, Nội quan, Túc tam lý, Công tôn.

    + Nhiệt: Nội đình.

    + Hàn: Vị du.

    + Đàm: Phong long.

    - Can dương xung: Thái xung, Dương lăng tuyền.

    - Tỳ hư: Tỳ du, Chương môn.

    - Nấc: Cách du, Nội quan, Túc tam lý.

    - Đầy bụng: Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Thái bạch.

    - Khí hư: (kiện tỳ) Tỳ du, Chương môn.

    Huyết

    + Bổ huyết: Cách du, Huyết hải.

    + Cầm máu: Thái uyên.

    Bình can: Thái xung, Can du, Phong trì, Hiệp khê.

1/212>>

Thời gian mở cửa: 7h00 - 19h00 hàng ngày. Nghỉ các ngày Lễ, Tết.

(Vui lòng liên hệ trước khi đến khám bệnh)

Điện thoại: 098.979.1982 * 091.868.1982

Nội dung trên trang website có tác dụng tham khảo, không sử dụng các thông tin này để chữa bệnh khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.

 

Thiết kế bởi donet.vn

 

Đang xử lý...