Tel:   0989 791982 Hotline: 0989 791982 - 0918 681982 Email: tuan6282@gmail.com

ĐIỆN CHÂM TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ ĐAU VÀ LIỆT

03:08:00 22/08/2016

I. ĐẠI CƯƠNG

Điện châm là một sự kết hợp hiệu quả giữa châm cứu truyền thống và điện trị liệu. Điện châm đã được sử dụng rộng rãi và đặc biệt phổ biến trong 2 lĩnh vực lớn: điều trị đau và điều trị phục hồi liệt. Ngoài ra, trong nhiều bệnh lý nội ngoại khoa khác châm cứu và điện châm cũng có tác dụng hiệu quả.

Điện châm hiểu đơn giản là kích thích điện lên huyệt qua kim châm cứu. Điện châm là phương pháp cho tác động một dòng điện nhất định lên các huyệt châm cứu để phòng và chữa bệnh. Khác với dòng điện được tác động lên các điện cực nhỏ trên da vùng huyệt gọi là điều trị điện theo huyệt.

Việc sử dụng điện trị liệu đã được đề cập đầu tiên trong báo Journal des savants. Trong đó mô tả Bertholon dùng dòng điện kích thích trên điểm đau (hay còn gọi là A thị huyệt) để chữa đau răng cho một bệnh nhân đã bị đau răng 3 năm, kết quả là bệnh nhân hết đau ngay sau điều trị điện. Đến năm 1785, phương pháp vô cảm bằng chạy điện dùng trong nha khoa được Van Swinden mô tả sử dụng. Năm 1910, Leduc dùng dòng điện ngắt quãng để gây tê và mê toàn thân. Cùng năm này, Robimovitch đã dùng dòng điện xung tần số 5-7000Hz gây tê cắt 4 ngón tay an toàn. Điều này cho thấy tác dụng giảm đau rất tốt của dòng điện. Năm 1930, phương pháp điện châm lần đầu tiên được mô tả bởi Jolly, Roger de la Fuye và Nogier khi họ cho kích thích điện qua kim và dùng chữ Electropuncture (Điện châm) để gọi tên. Sau đó ở Trung Quốc, phương pháp điện châm được đề cập trong phương pháp kích thích thần kinh ngoại vi của Chu Long Ngọc. Và tại Việt Nam cũng bắt đầu ứng dụng điện châm từ năm 1960 cho đến nay.

Hiện nay phổ biến nhất là máy phát dòng điện xung tần số thấp - điện thế thấp, nhỏ gọn và tiện dụng. Với nhiều dạng xung điện khác nhau, cho ta nhiều chọn lựa sử dụng thích hợp cho từng bệnh lý cụ thể. Việc sử dụng kỹ thuật điện châm rất khác nhau ở các bệnh lý khác nhau và hoàn toàn không phải là đồng nhất. Điều trị điện châm không phải là kỹ thuật chạy điện đơn thuần để chỉ định giống nhau ở tất cả bệnh nhân.

Hai mảng bệnh lý phổ biến nhất và cũng là thường gặp trong điều trị điện châm là đau và liệt. Cần chọn dòng điện, dạng xung điện, tần số, cường độ, thời gian, chọn huyệt thích hợp từ công thức huyệt châm cứu chỉ định trên bệnh nhân đau và liệt.

II. KỸ THUẬT TIẾN HÀNH ĐIỆN CHÂM

1. Chuẩn bị bệnh nhân: bộc lộ vùng cần châm, tiến hành châm theo công thức huyệt đã được định sẵn do thầy thuốc chỉ định. Ở đây cũng lưu ý thêm về kỹ thuật châm bổ tả thích hợp tùy theo bệnh lý hư hay thực.

2. Chọn huyệt điện châm: huyệt để châm thường có nhiều vị trí khác nhau, song huyệt được chọn xung điện thì ít hơn.

2.1. Nguyên tắc của việc chọn huyệt xung điện là dòng điện phải đi qua nơi cần điều trị. Có 2 nguyên tắc sau đây: 1. Kinh mạch sở quá chủ trị sở cập; 2. Điện cực phải đặt trên da có cùng tiết đoạn thần kinh với nơi cần điều trị.

2.2. Kỹ thuật chọn huyệt kích thích điện cụ thể như sau:

  • Bệnh lý đau:

  • Huyệt cơ bản là A thị huyệt

  • Huyệt thứ hai được chọn theo 3 nguyên tắc sau:

+ Đối xứng qua nơi đau

+ Trên đường kinh qua nơi đau

+ Cùng tiết đoạn thần kinh và có tác dụng điều trị liên quan bệnh lý đau

  • Bệnh lý liệt: có 3 cách chọn huyệt sau:

  • Cùng nằm trên đường kinh qua nơi liệt

  • Cùng tiết đoạn thần kinh qua nơi liệt

  • 1 điểm nằm trên điểm vận động của bó cơ liệt và điểm còn lại dọc theo cơ liệt

3. Chọn dòng điện và dạng xung điện:

Dòng điện hiện nay dùng trong điện châm phổ biến là dòng điện xung tần số thấp- điện thế thấp. Dạng xung rất đa dạng:

  • Faradic: dạng xung gai nhọn, tác dụng kích thích mạnh, dùng lâu trở thành ức chế

  • Leduc: xung chữ nhật

  • Lapicque: xung lưỡi cày, dùng tốt cho trường hợp cơ và thần kinh bị tổn thương.

  • Bernard: xung hình sin, tác dụng điện phân cũng tương đối mạnh

  • Giao thoa: phát sinh tác dụng ở tổ chức sâu

4. Chọn điện cực:

* Việc chọn điện cực rất quan trọng mà thường bị bỏ quên, vì tác dụng của cực âm và cực dương rất khác nhau.

  • Điện cực âm: tác dụng kích thích, tăng mẫn cảm, tăng trương lực cơ và thần kinh, tăng hoạt động dinh dưỡng và chuyển hoá.

  • Điện cực dương: tác dụng ức chế, giảm mẫn cảm, giảm trương lực cơ và thần kinh, giảm đau, giảm co thắt.

* Một điểm khác cần chú ý khi mắc điện cực là việc chú ý đến dòng điện phải thích hợp với mục đích bổ tả của bệnh lý: hư thì bổ, thực thì tả; dòng điện đi cùng chiều hay ngược chiều theo mục tiêu điều trị.

5. Tiến hành xung điện trên kim đã gắn điện cực thích hợp:

* Kiểm tra máy có hoạt động không, vặn tất cả các núm điện về số 0

* Chỉnh các thông số thích hợp:

THÔNG SỐ

BỆNH LÝ ĐAU

BỆNH LÝ LIỆT

Tần số

>/=60Hz, tốt nhất: 100-150Hz

<60Hz, tốt nhất: 1-15Hz

Cường độ

Kích thích mạnh

Kích thích vừa phải

Thời gian

20-30 ph

5-10ph

* Liệu trình điện châm:

+ Trung bình 1 liệu trình điện châm cũng tương tự như liệu trình châm cứu, khoảng 10-15 lần. Thường một ngày 1 lần hoặc cách ngày châm 1 lần. Trường hợp đau liên tục nhiều cơn có thể làm một ngày vài lần.

+ Cần đánh giá đáp ứng kích thích của bệnh nhân:

- Nếu bệnh giảm, không mệt mỏi, mất ngủ thì duy trì thời gian kích thích.

- Nếu bệnh giảm, kèm mệt mỏi, mất ngủ thì giảm thời gian kích thích, vì tổng liều kích thích mạnh.

- Nếu bệnh giảm ngay sau điều trị nhưng về nhà đau lại thì tăng thời gian kích thích vì tổng liều kích thích nhẹ.

III. CƠ SỞ TÁC DỤNG CỦA DÒNG ĐIỆN XUNG TẦN SỐ THẤP, ĐIỆN THẾ THẤP

a. Tác dụng sinh lý:

- Tác dụng kích thích: nhờ vào sự lên xuống của cường độ xung (độ dốc lên xuống càng dựng đứng bao nhiêu thì kích thích càng mạnh)

- Tác dụng ức chế cảm giác và giảm trương lực cơ: tác dụng này đến nhanh khi tần số xung lớn hơn 60Hz, tần số gây ức chế tốt nhất là 100-150Hz.

b. Chỉ định điều trị:

- Kích thích các cơ bại liệt

- Chống đau

- Tăng cường tuần hoàn ngoại vi, khi có hiện tượng co thắt mạch, phù nề, xung huyết tĩnh mạch…

IV. CHỌN DÒNG ĐIỆN VÀ DẠNG XUNG KÍCH THÍCH

- Khi cần chữa các bệnh mãn tính (viêm phế quản mạn, hen phế quản, viêm loét dạ dày tá tràng…) dùng dòng điện Galvanic hoặc dòng điện xung lưỡi cày hoặc hình sin.

- Khi chữa các bệnh cấp tính (đau, viêm, chấn thương…) dùng dòng điện xung với bất kỳ dạng xung nào đều được.

- Khi cần kích thích và phục hồi dinh dưỡng tổ chức, cần dùng dòng Galvanic, nếu không có dùng dòng điện xung Lapicque cũng được

- Khi chữa teo liệt cơ và phản ứng thoái hoá cần dùng sung hình lưỡi cày hoặc xung hình sin.

V. KỸ THUẬT TIẾN HÀNH ĐIỆN CHÂM

1. Về y lệnh điện châm

Khi thầy thuốc ghi chỉ định điện châm trên bệnh án, cần triển khai cụ thể y lệnh châm cứu: huyệt gì? cặp huyệt nào, mắc điện cực gì? tần số, cường độ, thời gian? Như vậy đảm bảo tính chuyên môn và sự phối hợp giữa thầy thuốc và điều dưỡng/y sĩ được tốt, và do đó đảm bảo tính chính xác về hiệu quả mong muốn điều trị cho bệnh nhân.

2. Về kỹ thuật bổ tả

Bổ tả của điện châm có sự khác biệt với bổ tả của châm cứu thường. Cụ thể có thể đối chiếu qua bảng sau:

CHÂM CỨU THƯỜNG

BỔ

TẢ

BN thở ra châm kim vào

BN hít vào rút kim ra

BN thở ra rút kim ra

BN hít vào châm kim vào

Châm kim vào từ từ, rút ra nhanh

( Thiêu sơn hoả : châm nhanh 3 bậc, rút ra 1 lần từ từ)

Châm kim vào nhanh, rút ra từ từ

(Thấu thiên lương : châm vào 1 lần từ từ, rút ra nhanh 3 bậc)

Châm kim thuận chiều đường kinh (thứ tự châm kim, hướng châm kim)

Châm kim ngược chiều đường kinh (thứ tự châm kim, hướng châm kim)

Châm kim xong vê nhẹ nhàng ít lần hoặc không vê

Châm kim xong vê mạnh, nhiều lần

Thời gian lưu kim lâu (20-30ph)

Thời gian lưu kim mau (5-10ph)

Rút kim có bịt

Rút kim không bịt

 

ĐIỆN CHÂM

BỔ

TẢ

Cực âm

Cực dương

Tần số thấp <60Hz

Tần số cao >/=60Hz

Cường độ nhẹ, dễ chịu

Cường độ mạnh

Thời gian lưu kim mau (5-10ph)

Thời gian lưu kim lâu (20-30ph)

Dòng điện cùng chiều đường kinh

Dòng điện ngược chiều đường kinh

3. Phối hợp bổ tả trong điện châm điều trị đau

Nguyên lý lớn nhất của điều trị đau Đông y là: “Bất thông tắc thống, thống tắc bất thông”. Khái niệm bổ tả trong y học điều trị chỉ có trong Đông y. Bổ tả trong điện châm là sử dụng điện vào châm cứu theo nguyên lý bổ tả của Đông y. Khi phân tích các tính chất tác dụng sinh học của điện trên cơ thể, thầy thuốc Đông y quy nạp vào các phạm trù bổ tả của châm cứu.

Bệnh nhân có các bệnh lý đau rất đa dạng trên lâm sàng và do nhiều nguyên nhân khác nhau, tính chất hư thực trên bệnh lý cụ thể do đó rất khác nhau. Cho nên lúc nào thầy thuốc Đông y cũng cần đến biện chứng luận trị là vậy. Vì thế, khi điều trị đau, tất nhiên phải ức chế đau, nhưng không hẳn luôn luôn phải là tả.

a. Đau thực chứng:

Các bệnh lý đau cấp tính thường là thực chứng. Tình trạng thực chứng thể hiện sự kháng cự mạnh mẽ và quá mức của sức đề kháng cơ thể, của hoạt động kinh lạc tạng phủ nơi tổn thương. Điều trị phải quân bình âm dương bằng cách tả đi cái thực.

Ví dụ: Đau do chấn thương va chạm, do sai tư thế thuộc bệnh lý kinh cân Đông y; đau do viêm ruột thừa cấp, viêm dạ dày mới bị, đau do cơn gout cấp…

           Khi đó, về cơ bản châm cứu phải tả và điện châm hỗ trợ cho kỹ thuật tả tốt hơn, ức chế đau hiệu quả hơn. Cụ thể sự phối hợp bổ tả trong điện châm như sau:

STT

KT ĐIỆN CHÂM

1

Tần số cao

2

Cường độ mạnh

3

Thời gian lâu (20-30ph)

4

Cực dương nơi đau

5

Dòng điện ngược chiều đường kinh đi qua nơi đau

* Như vậy, đa số các yếu tố của điện đều được dùng trong điều trị đau thực chứng.

b. Đau hư chứng :

Các bệnh lý đau mạn tính thường là hư chứng. Tình trạng hư chứng thể hiện sức đề kháng bệnh tật của cơ thể giảm sút, hoạt động của tạng phủ kinh lạc nơi tổn thương yếu kém. Điều trị phải quân bình âm dương bằng cách bổ thêm vào chỗ hư.

Ví dụ: Đau do thoái hoá cột sống, thoái hoá khớp ; đau do khí huyết ứ trệ kinh lạc lâu ngày; đau đầu kinh niên…

           Khi đó, châm cứu về cơ bản là phải bổ và điện châm hỗ trợ cho kỹ thuật bổ giúp tuần hoàn lưu thông khí huyết tốt hơn. Cụ thể sự phối hợp bổ tả vào điện châm như sau:

STT

KỸ THUẬT ĐIỆN CHÂM

1

Tần số thấp

2

Cường độ vừa phải, dễ chịu

3

Thời gian mau (5-10ph)

4

Cực dương nơi đau

5

Dòng điện cùng chiều đường kinh đi qua nơi đau

* Như vậy, trong điều trị đau hư chứng chỉ có yếu tố cực dương ức chế đau được sử dụng. Với thời gian lưu kim mau khi điện châm, tránh cho sự tổn hao khí của bệnh nhân.

4. Phối hợp bổ tả trong điện châm điều trị liệt :

Hầu hết các bệnh lý liệt đều do bệnh lý tổn thương thần kinh, có thể tổn thương thần kinh trung ương hoặc thần kinh ngoại biên. Bệnh lý cũng có mang tính chất cấp và mãn, tức là có thực chứng và hư chứng. Sự chính xác nhất về tình trạng hư thực phải dựa trên biện chứng luận trị giai đoạn bệnh hiện tại của bệnh nhân khi tiếp xúc lâm sàng. Vì thế, điều trị liệt phải đi cùng với điều trị tổng hợp các yếu tố bệnh lý trên bệnh nhân.

a. Liệt thực chứng:

Những bệnh lý liệt cấp tính như Hội chứng Guilaine Barré, các tổn thương thần kinh ngoại biên khác như liệt mặt ngoại biên những ngày đầu đa số là tình trạng thực chứng. Các bệnh lý này qua một thời gian điều trị dài ngày không khỏi thường sẽ chuyển sang tình trạng hư chứng.

Ngoài ra, những bệnh nhân liệt trung ương do những nguyên nhân khác nhau dẫn đến tổn thương nhu mô não và tuỷ sống…ở vào những ngày đầu có thể thấy tình trạng thực chứng cùng với sự cấp tính của bệnh.

b. Liệt hư chứng:

Các bệnh lý liệt trung ương đa số diễn tiến nhanh chóng dẫn đến tình trạng suy sụp của cơ thể. Các cơ quan tạng phủ có thể bệnh lý trước đó lâu ngày dẫn tới bệnh lý liệt hoặc do tổn thương cấp thời gây ra liệt rồi đồng thời cả hai gây ra suy tổn cho các cơ quan tạng phủ. Ở vào những ngày đầu của bệnh, tình trạng bệnh lý diễn tiến cấp tính dữ dội, đây là tình trạng thực chứng. Nhưng đa số lúc này bệnh nhân đến với các trung tâm cấp cứu Tây y. Do vậy phần lớn bệnh nhân liệt mà thầy thuốc Đông y gặp phải ở vào tình trạng hư chứng.

Ngoài ra, những bệnh nhân bị bệnh lý nội khoa lâu ngày, có tổn thương thần kinh có thể dẫn đến liệt với tình trạng hư chứng.

c. Phối hợp bổ tả trong điều trị liệt:

Dù cho bệnh nhân liệt thực chứng hay hư chứng thì biểu hiện ra nơi liệt cũng đều thể hiện sự thiếu sót/ mất chức năng vận động và hoạt động của nhóm cơ tương ứng. Về mặt cục bộ đây là tình trạng hư chứng. Điều trị điện châm nhằm bồi bổ lại sự thiếu sót chức năng của các đường kinh mạch đi qua nơi liệt. Sự phối hợp bổ tả  trong điều trị liệt thực chứng như sau:

STT

KT ĐIỆN CHÂM

1

Tần số thấp

2

Cường độ nhẹ nhàng vừa phải dễ chịu

3

Thời gian mau (5-10ph)

4

Cực âm nơi đầu gân

5

Dòng điện cùng chiều đường kinh đi qua nơi liệt

VI. DÒNG ĐIỆN SỬ DỤNG TRÊN LÂM SÀNG

Hiện nay trên lâm sàng Đông y chúng ta thường sử dụng máy điện châm loại xung tần số thấp, điện thế thấp. Loại máy này có đầy đủ tác dụng của dòng điện 1 chiều đều và tạo được tác dụng tốt trong điều trị đau và liệt, rất thuận tiện trên lâm sàng.

Loại máy dùng dòng điện một chiều đều do có tác dụng điện phân mạnh nên hiện nay không còn được ưa dùng trong điện châm.

VII. PHẠM VI TÁC DỤNG CỦA ĐIỆN CHÂM

Chữa bệnh bằng dòng điện hay châm cứu đều là phương pháp vật lý, dùng loại kích thích này hay kích thích khác tác động lên cơ thể nhằm đạt tới mục đích chữa bệnh mà không cần đến thuốc. Chữa bệnh bằng dòng điện chỉ kích thích lên vùng bệnh lý trên diện rộng. Châm cứu ngoài kích thích lên vùng bệnh lý ở một vài điểm tại chỗ, còn kích thích cả những điểm nhiều khi ở rất xa vùng bệnh lý, nhiều trường hợp, những điểm kích thích ở xa vùng bệnh lý lại là những điểm cơ bản nhất.

Khi đem dòng điện kích thích lên huyệt châm cứu để chữa bệnh, ta phối hợp tác dụng chữa bệnh của 2 phương pháp vật lý khác nhau, với cơ sở lý luận khác nhau tạo ra một tác dụng cộng hưởng để mong đạt kết quả tốt hơn. Vì vậy, muốn phát huy đầy đủ hiệu quả của phương pháp điều trị điện châm, phải vận dụng nghiêm túc học thuyết kinh lạc nói riêng và lý luận đông y nói chung và tác dụng sinh học của dòng điện lên cơ thể. Như vậy, điện châm có phạm vi điều trị rất rộng, không những ở hai mảng bệnh lý có đau và liệt mà còn có thể dùng trong nhiều bệnh lý nội khoa khác. Điện châm trở thành một công cụ giúp nâng cao hiệu quả tác dụng của châm cứu truyền thống và hiện đại.

Kỹ thuật điện châm là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật châm cứu truyền thống và kỹ thuật thông điện lên huyệt. Bằng lý luận YHCT sau khi đã biện chứng luận trị chọn ra CTH chính xác, thầy thuốc tiến hành kỹ thuật châm cứu bổ tả thích hợp cho tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, tiếp theo thầy thuốc thực hiện kỹ thuật thông điện chính xác lên huyệt được chọn. Lúc này việc dùng dòng điện phải thích hợp với kỹ thuật bổ tả sao cho tác dụng của châm cứu được tăng lên và tác dụng của dòng điện cũng đạt được mục đích điều trị.

LIỆU THAM KHẢO:

1. Tài liệu hướng dẫn sử dụng- Máy châm cứu điện Model ES-160-ITO Japan.

2. Châm cứu học. Tập II, Kỹ thuật điện châm pp 38-56. Viện Đông Y. NXB Y học, TP.Hà Nội.

3. Châm cứu học. Tập II, Điện châm pp 176-184. Phan Quan Chí Hiếu.  NXB Y học, TP.HCM.

Tổng lượt xem: 1465

Tổng số điểm đánh giá: 13 trong 5 đánh giá

Bạn đánh giá
4.00 trên 5 dựa trên 1 đánh giá
(5 đánh giá của khách hàng)

Thời gian mở cửa: 7h00 - 19h00 hàng ngày. Nghỉ các ngày Lễ, Tết.

(Vui lòng liên hệ trước khi đến khám bệnh)

Điện thoại: 098.979.1982 * 091.868.1982

Nội dung trên trang website có tác dụng tham khảo, không sử dụng các thông tin này để chữa bệnh khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.

 

Thiết kế bởi donet.vn

 

Đang xử lý...