Tel:   0989 791982 Hotline: 0989 791982 - 0918 681982 Email: tuan6282@gmail.com

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP GỐI

07:10:00 31/10/2019

Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính rất thường gặp, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau dẫn đến giảm và mất khả năng vận động ở người cao tuổi tại hầu hết các nước trên thế giới. Bệnh chiếm tỉ lệ cao và chi phí điều trị tốn kém.

Trong số các vị trí thoái hóa khớp thì thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới vào năm 2000, tỷ lệ thoái hóa khớp gối là 1.770 trên 100.000 nam giới và 2.693 trên 100.000 nữ giới. Ở Việt Nam chưa có thống kê chính xác nào nhưng thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh lý cơ xương khớp.

Việc điều trị bệnh hiện nay là gánh nặng rất tốn kém cho cá nhân người bệnh nói riêng và toàn xã hội nói chung với chi phí điều trị cao, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn trong khi có nhiều tai biến nặng nề.

I. Những dấu hiệu, triệu chứng của thoái hóa khớp

Đau nhẹ khớp gối thường xuyên, cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đau chủ yếu về ban đêm. Khi co duỗi chân nghe có tiếng kêu lục khục, lạo xạo ở đầu gối.

Xuất hiện hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Việc cử động gần như là không thể, phải mất khoảng 10 – 30 phút sau đó mới cảm thấy dễ chịu và di chuyển được.

Khó vận động, đi lại do khớp gối bị cứng và đau. Người bệnh cảm thấy nhấc chân khó, đi tệp tễnh, ngồi xuống đứng lên cũng khó khăn. Việc đứng lên ngồi xuống, lên xuống cầu thang cũng bị đau.Khớp gối bị sưng lên do bị tràn dịch khớp. Tình trạng này sẽ được cải thiện nếu thực hiện chọc hút dịch sẽ làm giảm đau và sưng đầu gối.

Khớp gối bị biến dạng, teo ổ khớp. Đây là biểu hiện khi bệnh thoái hóa khớp gối đã phát triển nặng và sụn bị tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị lệch đầu gối, rất khó gập hoặc duỗi gối ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động.

  

II. Các biện pháp điều trị 

1. Thuốc chống viêm, giảm đau không steroids (NSAIDs)

Điều trị thoái hóa khớp gối đồng thời với việc tập luyện, giảm cân, thuốc chống viêm giảm đau giúp bệnh nhân giảm được triệu chứng.

Các thuốc thuộc dòng giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) thường được dùng như Aspirin, Ibuprofen (Advil), Naprosyn (Aleve). Các thuốc có tác dụng mạnh hơn có Indocin, Daypro, Relafen, Celebrex, Lodine và Mobic.

Tuy nhiên, những tác dụng phụ của dòng NSAIDs hay gặp là kích ứng và có thể gây loét, chảy máu dạ dày. Tác dụng phụ này tăng cao hơn ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày, bệnh nhân đang dùng corticoid, bệnh nhân hút thuốc lá, nghiện rượu. Ngoài ra thuốc còn có thể gây tổn thương cầu thận (đặc biệt ở những người trên 65 tuổi, người tăng huyết áp, suy tim xung huyết hay bệnh nhân đang dùng thuốc lợi niệu). Do vậy việc dùng thuốc cần cân nhắc đến hiệu quả giảm đau và những tác dụng ngoài mong muốn của thuốc. Không để tình trạng lệ thuộc thuốc.

2. Thực phẩm chức năng

Các thực phẩm chức năng chứa các hoạt chất như gulucosamine sulfate, chondroitin sulfate thường được dùng bổ trợ trong phác đồ điều trị thoái hóa khớp. Glucosamine là một aminomonosacharide-tiền chất cấu tạo nên mô liên kết, trong đó có mô sụn của khớp. Uống glucosamine hằng ngày được cho là sẽ có tác dụng hỗ trợ lên khớp do làm tăng sức bền của mô sụn.

Chondrointin sulfate được tìm thấy trong proteoglycans, cũng là một trong những thành phần tạo nên chất căn bản của mô sụn, ảnh hưởng đến sự bền vững của sụn khớp. Chondrointin thường được chiết xuất từ sụn của bò, bê hoặc một số loài cá (cá mập). Tuy vậy, hiệu quả làm vững bền sụn khớp của glucosamine và chondrointin cho đến nay vẫn đang còn nhiều tranh luận.

3. Tiêm chất nhờn vào khớp

Trong khớp luôn có một lượng dịch khớp do màng hoạt dịch tiết ra, có độ nhớt cao giúp giảm độ ma sát giữa các diện khớp khi gối vận động. Độ nhớt của dịch khớp do các phân tử Hyaluronic Acid (HA) tạo nên. Ở người bình thường, trong dịch khớp gối có khoảng 4-5 triệu phân tử HA, các phân tử này kết nối và cuộn lại với nhau tạo nên độ dẻo, sệt và nhớt.

HA còn có vai trò tạo liên kết chặt chẽ giữa các chuỗi proteoglycans, cùng với collagen týp II, tạo nên cấu trúc bền vững của sụn khớp. Đối với bệnh nhân thoái hóa khớp, số lượng phân tử HA giảm đi rõ rệt, làm cho cấu trúc sụn kém bền vững, dịch khớp giảm độ nhớt, dẫn đến tăng ma sát giữa các diện khớp khi vận động, sụn khớp nhanh bị bào mòn, bong, vỡ.

Tiêm HA vào khớp làm tăng chất nhờn, hy vọng làm giảm ma sát, làm chậm quá trình mài mòn khớp. Phương pháp này được thực hiện đầu tiên tại Nhật năm 1987. Tại Việt Nam phương pháp được ứng dụng từ năm 2003. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, chỉ có 50% số bệnh nhân sau tiêm HA vào khớp có dấu hiệu thuyên giảm triệu chứng. Có nhiều loại thuốc chứa AH. Thường là hộp 5 ống chứa 2- 2,5ml AH, AH tiêm nội khớp gối mỗi tuần tiêm một ống vào khớp, mỗi đợt điều trị tiêm 5 ống và có thể nhắc lại đợt tiếp theo sau 6 tháng.

Quá trình tiêm phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Theo một nghiên cứu, không có sự khác biệt về tình trạng lâm sàng giữa trước và sau tiêm sau 3 – 5 mũi. Những trường hợp thoái hóa khớp gối nào được sử dụng AH? Liệu pháp HA có tác dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối ở mức độ vừa mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường, không dung nạp được thuốc đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid, cũng như giúp trì hoãn thời gian thực hiện phẫu thuật thay khớp vốn khó khăn và tốn kém.

4. Tiêm corticoid vào khớp

Tiêm corticoid vào khớp giúp bệnh giảm triệu chứng rất nhanh chóng do tác dụng giảm viêm mạnh. Tuy nhiên theo các nghiên cứu trên lâm sàng, corticoid làm phá hủy sụn khớp rất nhanh. Ngoài ra viêm mủ khớp gối sau tiêm là một biến chứng tồi tệ hay gặp. Chính vì vậy, việc tiêm corticoid vào khớp gối để điều trị thoái hóa khớp được khuyến cáo hết sức hạn chế và thận trọng, chỉ tiêm trong điều kiện vô khuẩn, có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Nên tiêm tối đa 3 mũi.

5. Thuốc ức chế Interleukin 1(Diacerein): có tác dụng ức chế sản xuất và hoạt hóa IL-1

Nhìn chung, tất cả các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối có dùng thuốc và không dùng thuốc đều giúp bệnh nhân cải thiện được triệu chứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Về lâu dài, sụn khớp vẫn tiếp tục thoái hóa, bị bào mòn, đến khi tình trạng đau không còn được cải thiện thì một phương pháp can thiệp ngoại khoa là cần thiết.

thoái hóa khớp

6. Huyết tương giàu tiểu cầu (Plate Rich Plasma-PRP)

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tự thân là huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với huyết tương trong máu bình thường được tách chiết từ máu của chính bệnh nhân. Khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng (growth factors) có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương.

Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sụn… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng sụn, thúc đẩy tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm… Trong chuyên ngành cơ xương khớp, liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích sự lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu tự thân mới được nghiên cứu thành công gần đây đã mở ra một hướng mới điều trị bảo tồn thoái hóa khớp với đích tác động tới căn nguyên của bệnh là sụn khớp. 

Như vậy với tác động vào cơ chế bệnh sinh của bệnh thoái hóa khớp, kỹ thuật tách chiết PRP đơn giản, an toàn do lấy máu tự thân, liệu pháp điều trị PRP là một trong những lựa chọn điều trị tốt cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Nó cho kết quả tốt hơn và lâu dài hơn với điều trị bằng tiêm tại chỗ chất nhờn acid hyalorunic, một liệu pháp điều trị được coi là tiêu chuẩn và đang được sử dụng rộng rãi hiện nay./.

Quý vị cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Lương y Tuấn: Zalo/DĐ: 098.979.1982 * 091.868.1982

Tổng lượt xem: 3663

Tổng số điểm đánh giá: 2 trong 5 đánh giá

Bạn đánh giá
4.00 trên 5 dựa trên 1 đánh giá
(5 đánh giá của khách hàng)

Thời gian mở cửa: 7h00 - 19h00 hàng ngày. Nghỉ các ngày Lễ, Tết.

(Vui lòng liên hệ trước khi đến khám bệnh)

Điện thoại: 098.979.1982 * 091.868.1982

Nội dung trên trang website có tác dụng tham khảo, không sử dụng các thông tin này để chữa bệnh khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.

 

Thiết kế bởi donet.vn

 

Đang xử lý...